image banner
Hội CCB Nghệ An gương mẫu, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Lượt xem: 33

Quán triệt nghị quyết Trung ương (khóa 10) về xây dựng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, Nghị quyết số 03/NQ-TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 3875/QĐ-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An giai đoạn 2010-2020. Đây là một chương trình trọng điểm quốc gia nhằm chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn, chủ yếu bằng phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, chính quyền các cấp đóng vai trò hỗ trợ một phần kinh phí và chỉ đạo tổ chức thực hiện.



Toàn cảnh Hội nghị


Hội Cựu chiến binh tỉnh xác định tham gia xây dưng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội và cán bộ, hội viên toàn tỉnh và đã phát động phong trào “ Cựu chiến binh gương mẫu, chung sức, đồng lòng xây dưng nông thôn mới”. Phong trào đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp Hội và cán bộ, hội viên, được triển khai sâu rộng, đạt được kết quả cao, có sức lan tỏa, lôi cuốn cộng đồng dân cư cùng thực hiện.

Các cấp Hội, trực tiếp là Hội Cựu chiến binh xã, chi hội đã tập trung tuyên truyền về chủ trương, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng và nội dung, biện pháp, bước đi lộ trình xây dựng nông thôn mới, kế hoạch thực hiện cụ thể của từng địa phương, những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đó làm cho Cựu chiến binh và nhân dân hiểu rõ, tin tưởng và quyết tâm thực hiện.

Hội và cán bộ, hội viên đã tích cực, chủ động phối hợp tham mưu và đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền, ban thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cơ sở trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, lộ trình, các đề án, các hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới, phương thức kết hợp, lồng ghép các chương trình dự án, biện pháp huy động các nguồn lực, nhất là nội lực của nhân dân, công tác kiểm tra và giám sát bảo đảm phát huy hiệu quả các nguồn lực, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quản lý sử dụng.

Không ít nơi gặp khó khăn vướng mắc, Hội và cán bộ, hội viên đã nhận trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân, bản thân Cựu chiến binh và gia đình Cựu chiến binh gương mẫu thực hiện trước để nhân dân cùng làm theo như nhận ruộng xấu, ruộng xa trong dồn điền đổi thửa, huy động lực lượng gia đình cùng Cựu chiến binh giải phóng mặt bằng, phá tường rào, cây cối, hoa màu, tài sản của nhà mình trước để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, đóng góp công và tiền góp phần xây dựng nhà văn hóa, trường học, khu văn hóa thể thao, nhiều hội ở cơ sở, chi hội đã chủ động xây dựng các công trình trước để vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện.v.v. Lời nói và hành động gương mẫu đi đầu của Cựu chiến binh thực sự có sức lan tỏa lớn, có sức thuyết phục cộng đồng dân cư chuyển đổi nhận thức và trách nhiệm tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới.

Với tinh thần gương mẫu, đi đầu “hiến kế, hiến công, hiến đất”, từ năm 2011-2015, toàn tỉnh đã có 39.000 hội viên hiến trên 2,1 triệu m2 đất ruộng, đất vườn (chiếm 40% số đất của nhân dân trong tỉnh hiến xây dưng nông thôn mới) đóng góp 520.924 ngày công và 753 tỷ đồng bằng tài sản, hoa màu trên đất và giá trị các công trình cơ sở hạ tầng như xây dựng 940 km đường giao thông nông thôn, 548,5 km kênh mương thủy lợi và 842 các loại công trình khác (trong đó đóng góp bằng tiền mặt là 172 tỷ đồng). Thật đáng trân trọng về những kết quả và những đóng góp quan trọng xây dưng nông thôn mới của Hội và cán bộ, hội viên. Chúng ta có thể tự hào rằng: Cựu chiến binh Việt Nam, Cựu chiến binh Nghệ An không những đã hy sinh, cống hiến to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, mà cả trong thời bình, Cựu chiến binh vẫn tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức và những tài sản quý giá thiết thân bảo đảm cuộc sống bản thân và gia đình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cựu chiến binh là lực lượng tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bằng ý chí, trí tuệ, công sức, biết ứng dụng khoa học công nghệ và kinh nghiệm, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay ngân hàng CSXH (trên 1.200 tỷ) và vốn tự đóng góp cho nhau vay không lấy lãi (90 tỷ đồng) để phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều loại hình kinh tế có hiệu quả, cùng với hiệu quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ của 522 doanh nghiệp, gần 9.000 trang trại, gia trại do Cựu chiến binh làm giám đốc và chủ trang trại, gia trại tạo việc làm cho trên 3 vạn lao động, thực sự góp phần nâng cao đời sống của Cựu chiến binh, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,18 %, tăng tỷ lệ hộ khá giàu lên trên 61 % và góp phần đáng kể và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Có thể nói: Phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu, chung sức, đồng lòng xây dưng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 đã thống nhất được ý chí, tư tưởng và hành động, phát huy tốt “Bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”, vai trò gương mẫu, đi đầu của tổ chức Hội và cán bộ Hội viên đóng góp nhiều trí tuệ, công của góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tiêu biểu có Hội CCB huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Anh Sơn, Thanh Chương, Thị xã Hoàng Mai, Thị xã Thái Hòa .v.v. Có 8 hội viên hiến từ 400 đến 750 m2 đất như CCB Trần Văn Hào chi hội 12 xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), CCB Nguyễn Văn Thực xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) CCB Vi Văn Thành xã Mường Nọc (Quế Phong), CCB Nguyễn Văn Ước xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), CCB Phạm Đức Lý xã Thanh Long (Thanh Chương) ủng hộ 70 triệu đồng, CCB Nguyễn Thị Liễu xã Thanh Văn (Thanh Chương) vận động gia đình và họ tộc dời nhà thờ họ để hiến đất làm đường nông thôn.

Tuy vậy phong trào chưa thật đồng đều, một số tổ chức hội, hội viên chưa thể hiện rõ vai trò gương mẫu đi đầu; có nơi kế hoạch chưa cụ thể, phối hợp chưa chặt chẽ; hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới chưa rõ nét.

Trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2015 có trên 26 % số xã và 1 huyện (Thị xã Thái Hòa) và đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB gương mẫu, chung sức, đồng lòng xây dưng Nồng thôn mới” và đề án của UBND tỉnh về “Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong xây dưng nông thôn mới từ 2014-2015 và định hướng đến năm 2020 với yêu cầu tốc độ, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ mục tiêu của tỉnh nêu trên các cấp hội tập trung thực hiện tốt các biện pháp: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt cho các cấp Hội và hội viên nắm vững mục tiêu, yêu cầu chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mục đích, yêu cầu, nội dung phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới”.

Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, Hội tiếp tục cùng nhân dân củng cố xây dựng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đối với các xã chưa đạt các cấp Hội nắm chắc kế hoạch, lộ trình xây dựng nông thôn mới của UBND xã và các kế hoạch chỉ đạo của Hội CCB cấp trên để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện của cấp mình; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”, đưa phong trào phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu; Triển khai tích cực chương trình phối hợp giữa Hội CCB và Sở NN&PTNT; Tổ chức cho các cấp hội và hội viên đăng ký thi đua, xác định nội dung công việc cụ thể, phương pháp tiến hành và mục tiêu chỉ tiêu để tiến hành thực hiện chủ động và hiệu quả hơn.

Các cấp Hội tham mưu đề xuất thực hiện toàn diện các tiêu chí nhưng cần tập trung những xã đăng ký đạt chuẩn NTM hàng năm, các xã tiêu chí còn thấp, chú trọng tiêu chí về tổ chức sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, nâng cao thu nhập bình quân đầu người; tham mưu huy động sự đóng góp của nhân dân phù hợp với khả năng và mức đóng góp phù hợp với từng đối tượng, không bình quân, tăng cường vận động doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hàng năm phải có đánh giá, kết thúc các giai đoạn phải tổ chức sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, nêu gương tập thể cá nhân điển hình tiên tiến và xác định kết quả thực hiện phong trào là một tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cá nhân và đơn vị.


Nguyễn Phong Phú

UVBTV TW Hội CCB Việt Nam- Chủ tịch Hội CCB tỉnh


Lịch công tác
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

Chịu trách nhiệm nội dung:

Đ/c Phan Đình Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương, Trưởng Ban Biên tập

Trụ sở: Số 12 - Đường Nguyễn Sỹ Sách - Khối 1A - Thị trấn Thanh Chương - Thanh Chương - Nghệ An