image banner
Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lượt xem: 206

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và xác định việc gương mẫu của cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ: “Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên…”.

Anh-tin-bai

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đến vai trò và hành động gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên và coi đó là phương pháp giáo dục cụ thể, thiết thực, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất đối với quần chúng. Bác thường xuyên giáo dục, căn dặn và nhắc nhở cán bộ, đảng viên là “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người còn nói “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương trong sáng, mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”, chí công, vô tư để cán bộ, đảng viên và quần chúng học tập, noi theo. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 60 năm của mình, Bác luôn vì nước, vì dân và một lòng, một dạ phụng sự cho Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà trong 175 tên và bí danh của Bác thì có hai tên của Bác đã thể hiện rõ điều đó là: Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Yêu Nước) và Nguyễn Ái Dân (tức Nguyễn Thương Dân); Bác không có tài sản riêng và cũng không có một gia đình riêng, vì Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, đồng bào ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, suốt đời vì nước, vì dân nhưng trên ngực áo của Bác không có một tấm huân chương, vì Bác không bao giờ nhận. Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô - Viết tặng Bác Huân chương Lê-Nin, Bác từ chối không nhận; Đảng và Nhà nước ta quyết định tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Bác, Bác cũng không nhận, Bác bảo để khi nào giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng bào Miền Nam tặng cho Bác cũng chưa muộn. Thế rồi, Bác  không kịp nhận, vì Bác đã đi xa trước ngày đất nước thống nhất. Đúng như Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng” và cuộc đời của Bác luôn “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương trong sáng, mẫu mực về lời nói đi đôi với việc làm và Bác cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện như vậy. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, với cương vị là Chủ tịch nước, Bác là người phát động phong trào “Hũ gạo cứu đói”. Bác đề nghị mỗi người một tuần nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ gạo để giúp đỡ đồng bào bị đói có bát cháo cầm hơi qua ngày, thì Bác cũng là người gương mẫu thực hiện trước. Thật cảm động khi Bác dặn rằng: Nếu đúng ngày nhịn ăn mà Bác phải tiếp khách quốc tế thì cho Bác thực hiện vào ngày hôm sau. Bác thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, động viên, khích lệ và xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến và những tấm gương người tốt, việc tốt. Bác đã dùng Huy hiệu của Người để tặng cho những tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác… Noi theo gương Bác và thực hiện những lời căn dặn của Bác, nhiều cán bộ, đảng viên thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã không sợ hy sinh, gian khổ, hăng hái xung phong, gương mẫu đi đầu trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Tuy nhiên, trong những năm đổi mới vừa qua, do những tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở các cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có cả những đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời ban hành Quy định 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, Số: 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành trung ương. Quy định của Ban Bí thư đã nêu những nội dung cụ thể về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về ý thức tổ chức kỷ luật; về trách nhiệm trong công tác; về đoàn kết nội bộ; về quan hệ với nhân dân… để mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải gương mẫu đi đầu thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ: Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam…

Thực hiện các quy định nêu trên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhận thức và thực hiện về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp đã được nâng lên một bước; nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đã đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu tấm gương sáng cho cấp dưới học tập, noi theo, tạo một số chuyển biến tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; kỷ cương, kỷ luật của Đảng được tăng cường, pháp luật của Nhà nước được đề cao hơn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên, qua thực hiên ở các cấp cho thấy, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; việc nêu gương chưa trở thành việc làm nền nếp và chưa gắn với những công việc thường xuyên hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… gây bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chưa xác định rõ, cụ thể nội dung và trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo cao cấp, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong khi việc nêu gương của các đồng chí này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra động lực to lớn, mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng lớn trong Đảng và trong toàn hệ thống chính trị dân. Không những thế, trong thời gian gần đây, một số đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cả đương chức và nguyên chức diện Trung ương quản lý thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống; không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; có lời nói và việc làm sai trái với chủ trương, nghị quyết của Đảng, vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải xử lý kỷ luật của Đảng, thậm chí một số phải xử lý bằng pháp luật, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm  xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tế đó là yêu cầu và đòi hỏi bức thiết phải có một quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất rất cao việc ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương không những nâng cao tính pháp lý của quy định so với các quy định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành, mà còn nêu cụ thể 8 việc mà các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện; đồng thời, quy định 8 việc cụ thể mà các đồng chí Trung ương phải nghiêm khắc với chính mình và kiên quyết chống. Như vậy, với trách nhiệm chính trị to lớn của mình, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu học tập Bác, noi gương theo Bác để trở thành những người học trò xuất sắc của Bác. Phải gương mẫu đi đầu thực hiện những nhiệm vụ của người đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng; đồng thời, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong công tác và cuộc sống hằng ngày, xứng đáng với niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân. Có thể nói, quy định của Trung ương lần này chính là sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với toàn Đảng, toàn dân và cũng là sự cam kết với chính mình về trách nhiệm nêu gương. Cụ thể là:

Trước hết, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ươngphải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi đồng chí phải là tấm gương tiêu biểu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; phải luôn xác định mình là công bộc của dân; phải lấy sự hài lòng và ấm no, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của mình.

Đối với công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; tận tâm, tận lực với công việc được giao; luôn đi sâu, đi sát cơ sở, nắm chắc tình hình, nhất là những nơi khó khăn; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ xảy ra. Là người lãnh đạo, mỗi đồng chí phải thực sự là trung tâm đoàn kết, phát huy trí tuệ của tập thể và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thường xuyên đổi mới tư duy,năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách vì sự phát triển chung.

Là người lãnh đạo, mỗi đồng chí phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc của Đảng trong công tác cán bộ; khuyến khích, bảo vệ những cán bộ thẳng thắn, trung thực, năng động, sáng tạo; chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài. Phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Bản thân phải trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của mình và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa.Trong tự phê bình và phê bình, phải nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh trên tinh thần thương yêu đồng chí; dám dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm và chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài việc gương mẫu thực hiện những nội dung trên, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân mình và kiên quyết đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu trong mỗi con người. Đó là chống chủ nghĩa cá nhân,tư tưởng cục bộ, bè phái, độc đoán, thực dụng, “tư duy nhiệm kỳ”, nói không đi đôi với làm. Chống các biểu hiện đoàn kết xuôi chiều, nịnh trên, nạt dưới, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể để thực hiện ý đồ của cá nhân; quan liêu, xa dân, gây phiền hà, hách dịch với nhân dân. Kiên quyết chống những biểu hiện lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực; không được can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

Không được lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; không được lợi dụng việc cưới, việc tang, ngày giỗ, lễ, tết, sinh nhật, được lên chức, thăng hàm... để vụ lợi. Không được để bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột của bản thân, của vợ (chồng), người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, chi phối, thao túng các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để trục lợi.

Không chạy và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm ...; không can thiệp, gây áp lực trong công tác cán bộ, nhất là lợi dụng quy trình để bổ nhiệm, bố trí người nhà, “thân quen, cánh hẩu” vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và nơi có nhiều lợi ích. Kiên quyết chống tình trạng lãng phí nhân lực, công quỹ, tài sản, phương tiện công và thời gian làm việc; việc tổ chức các đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước có nội dung không thiết thực, không đúng thành phần, kéo dài thời gian, hiệu quả thấp. Không được lợi dụng uy tín, mượn danh người khác hoặc bản thân nói, viết, đăng tin bài sai sự thật, tạo dư luận, gây ảnh hưởng nhằm đề cao cá nhân mình, tô hồng thành tích hoặc bôi nhọ, hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác…

Có thể nói, sau khi Quy định về trách nhiệm nêu gương của Trung ương ban hành, đã được dư luận hoan nghênh, đáng giá cao và có hiệu ứng tích cực ngay trong việc lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội và lấy phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ cấp chiến lược vừa qua. Như vậy, việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp trên và người đứng đầu các cấp là việc làm cụ thể, thiết thực để học Bác và noi gương theo Bác. Chính điều đó, sẽ trở thành động lực to lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ đã  nhắc nhở chúng ta trong Di chúc của Người./. 

Ban Tuyên giáo

 

Ban Tuyên giáo
Lịch công tác
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

Chịu trách nhiệm nội dung:

Đ/c Phan Đình Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương, Trưởng Ban Biên tập

Trụ sở: Số 12 - Đường Nguyễn Sỹ Sách - Khối 1A - Thị trấn Thanh Chương - Thanh Chương - Nghệ An