Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng nêu gương và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn, nhất là các cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.Nêu gương là phong cách luôn thường trực ở Người trong suốt quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với Người, nêu gương không chỉ là một giá trị bất biến thể hiện nhân cách cao đẹp của người đảng viên cộng sản, mà còn là một phương thức hữu hiệu để giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong điều kiện Đảng trở thành Đảng cầm quyền.
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư gửi đồng chí Pêtơrốp - Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (1924): “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều đó cũng có nghĩa, dù một người có nói hay đến đâu đi nữa, nhưng nếu không gắn liền giữa nói và làm, không thực hành nêu gương trong thực tiễn cuộc sống, thì cũng sẽ không thể có được sức thuyết phục đối với quần chúng nhân dân và sẽ mất đi vai trò đối với nhân dân.
Người cũng từng viết những dòng xúc động về Lênin,sau khi biết tin vị lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế qua đời: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”. Đó chính là sự khẳng định về sức cảm hóa hết sức to lớn của một nhân cách mẫu mực về cả trí tuệ lỗi lạc và đặc biệt hơn là đạo đức trong sáng, giản dị của một nhà lãnh đạo tối cao.
Chính với ý nghĩa như vậy, nên ngay bài học đầu tiên trong chương trình huấn luyện lý luận chính trị cho những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam ở lớp học Quảng Châu, Người đã đề cập về tư cách của một người cách mạng và phần trước hết là nói về trách nhiệm “tự mình”, với những yêu cầu như: Cần kiệm; Cả quyết sửa lỗi mình; Vị công vong tư; Không hiếu danh, không kiêu ngạo; Nói thì phải làm; Ít lòng tham muốn về vật chất.... Có ý thức được trách nhiệm “tự mình” thì người cán bộ mới biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, để vươn lên không ngừng học tập, tiếp thu các giá trị tinh hoa của dân tộc và nhân loại, từ đó mà ngày càng hoàn thiện nhân cách bản thân, phục vụ ngày càng hiệu quả hơn sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Sau ngày Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dù phải lo lắng chỉ đạo cách mạng đương đầu với bao hiểm nguy, thách thức của thù trong, giặc ngoài, nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc nhận diện và phòng chống những nguy cơ suy thoái của một đảng cầm quyền. Người trăn trở trước hiện tượng một số cán bộ của chính quyền cách mạng khicách mạng thành công thì trở thành những vị “quan cách mạng”,say sưa với quyền lực và bị tha hóa bởi quyền lực, quay lưng lại với những người dân đã che chở, cưu mang trong những ngày còn hoạt động bí mật, thậm chí phản bội lại lý tưởng đã theo đuổi, từ đó đánh mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân. Người nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Người cảnh báo hết sức sâu sắc và luôn mang ý nghĩa thời sự: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Triết lý tu thân của những bậc chính nhân quân tử trong Nho giáo đã được Hồ Chí Minh am hiểu và vận dụng trong hoàn cảnh mới của chính quyền cách mạng, khi yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người ở cương vị lãnh đạo, quản lý: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Bởi lẽ, sức cảm hóa của người cán bộ lãnh đạo, quản lýđối với quần chúng nhân dân không phải và không thể chỉ là những mệnh lệnh hành chính, mà quan trọng hơn chính là ở sự nêu gương bằng hành động thiết thực trong thực tiễn của bản thân. Có như vậy mới thực sự khiến người dân, những người cán bộ cấp dưới tâm phục, khẩu phục. Thiếu đi hành động nêu gương của người cán bộ lãnh đạo thì dù chủ trương, chính sách đúng cũng sẽ khó mang lại kết quả, thậm chí bị méo mó, biến tướng và trở nên “vô lý” trong quá trình thực hiện.
Suốt đời quan tâm xây dựng một nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra điểm khác biệt căn bản về chất giữa đạo đức cũ và đạo đức mới chính là việc nêu gương của những người cán bộ lãnh đạo, quản lý: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”. Chính vì vậy, đảng viên đi trước thì làng nước sẽ theo sau; khi khó khăn, vất vả thì cán bộ, đảng viên phải đi trước, khi hưởng thụ, sung sướng thì cán bộ, đảng viên hưởng sau; phải thực sự “dĩ công vi thượng”.
Bản thân Hồ Chí Minh suốt đời là tấm gương mẫu mực của người cán bộ lãnh đạo trên cả ba mối quan hệ chủ yếu: với mình, với việc và với người.
Đối với tự mình, dù khi còn hoạt động cách mạng bí mật, hay khi cách mạng thành công, đảm nhiệm cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người luôn thực hành lối sống cần kiệm,hết mực trong sáng, giản dị, “một đời thanh bạch chẳng vàng son”. Sau khi miền Bắc được giải phóng, cùng Trung ương Đảng trở về Thủ đô Hà Nội, Người nhất định từ chối không ở Dinh Toàn quyền cũ - ngôi nhà to đẹp nhất lúc bấy giờ, mà chọn ngôi nhà của người thợ điện - một ngôi nhà cấp 4, để sinh sống.Sau 4 năm, Người mới chuyển đến sống ở ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch.
Trang phục của Người để mặc bên ngoài thường là bộ quần áo ka-ki đã bạc màu và đôi dép cao su đã đi cùng Người từ khi còn ở chiến khu Việt Bắc, qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, trong những lần đi chiến dịch và về Thủ đô sau ngày miền Bắc được giải phóng. Chiếc áo bông của Người dùng đã nhiều năm, vỏ ngoài áo bị đứt chỉ ở khuỷu tay và cổ, Người bảo mạng lại. Khi chiếc áo rách ở vai, Người bảo vá vai. Khi chiếc áo bị rách ở vai lần nữa, có ý kiến đề nghị Người cho thay. Người không đồng ý và nói: “Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”.
Bữa ăn của Người cũng rất đơn giản, thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, một ít ớt và miệng bát cơm. Những ngày Cách mạng Tháng Tám mới thành công, để cứu đói, Người kêu gọi đồng bào cả nước thực hiện cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn 3 bữa để cứu dân nghèo. Bản thân Ngườithực hành trước để nêu gương và luôn chú trọng điều này, dù cơ thể vẫn còn gày yếu sau đợt sốt rét ở Chiến khu Việt Bắc. Khi đến đúng ngày nhịn ăn, Người được mời dự chiêu đãi ngoại giao. Hôm sau, Người kiên quyết nhịn ăn bù lại.
Đối với việc, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tận tâm, tận lực, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc các công việc mang lại ích lợi cho Tổ quốc, cho dân tộc. Người xác định chân lý là những gì có lợi cho Tổ quốc, cho dân tộc. Do đó, việc gì có lợi cho nhân dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại cho nhân dân thì phải ra sức tránh. Chính vì vậy, quy trình xây dựng đường lối chính sách là phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó đúc kết thành những chủ trương, chính sách; rồi thực hiện thí điểm và lấy ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn chỉnh chủ trương, chính sách. Cả cuộc đời, Người đã phấn đấu không ngừng nghỉ vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng bàn bạc, thảo luận dân chủ để tìm ra cách thức, biện pháp hiệu quả nhất thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Đối với những vấn đề cần phải giải quyết, Người không chỉ nghe báo cáo, mà còn trực tiếp xuống cơ sở, nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu kỹ càng vấn đề, từ đó mà đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề.
Trong công việc, Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ sự ngăn nắp, gọn gàng và rất chú ý xây dựng kế hoạch làm việc một cách khoa học, xuất phát từ thực tiễn và luôn bám sát thực tiễn để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với người, Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận con người trong sự vận động, biến đổi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.Vì vậy, Người luôn chủ trương dùng những biện pháp cảm hóa, giáo dục, thuyết phục làm chính, nâng dần ý thức và nhân lên những phần tốt đẹp trong mỗi con người như hoa cỏ mùa Xuân, phần xấu thì bị mất dần đi.
Người dành tình yêu thương vô bờ bến cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người đang ở trong cảnh ngộ khó khăn, đang bị đau khổ. Chính với tinh thần yêu thương nhân dân đang bị rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo và phản động của chế độ thực dân nửa phong kiến, đã trở thành động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, và từ đó tìm ra con đường giải phóng triệt để cho nhân dân là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Thâu thái truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, Hồ Chí Minh đã có phong cách ứng xử với con người một cách thân tình, lịch thiệp, tinh tế. Khi về thăm lại Pắc Bó (Cao Bằng) sau ngày cách mạng thành công, các đồng chí cán bộ địa phương muốn tổ chức đón tiếp long trọng, Người không đồng ý và cho rằng: Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi. Khi Người về Hải Hưng tham gia chống hạn cùng bà con nông dân, các đồng chí cán bộ tổ chức đón tiếp, nhưng Người phê bình: “Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp”. Hồ Chí Minh ăn mặc quần áo giản dị như một lão nông thực sự, cùng đào đất, tát nước với nông dân… Về thăm bà con nông dân xã Xuân Phương (TừLiêm - Hà Nội) ngay trên đồng ruộng, Người bỏ dép, xắn quần, lội ruộng nước, đến tận nơi bà con đang cày cấy để thăm hỏi, nói chuyện với mọi người như một lão nông đã quen việc đồng áng.
Cho đến thời điểm cuối cùng của cuộc đời, trong bảnDi chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nêu tấm gương sáng của một người cán bộ, đảng viên suốt đời luôn quan tâm lo lắng cho đất nước, dân tộc, nhất là trong phần Người nói về việc riêng. Sau những lời dặn ân cần và hết sức sâu sắc về xây dựng Đảng, về chiến lược đối với con người, về đoàn kết trong nước và quốc tế,...,tưởng như đến phần “về việc riêng” là những dòng viết về mong muốn, những nhu cầu riêng của bản thân Người, nhưng thực tế đó cũng lại là những lo nghĩ cho người đang sống, cho dân tộc. Người yêu cầu được hỏa táng để “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”, đồng thời nhắc nhở “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đó chính là sự nêu gương nếp sống mới văn minh trong nhân dân. “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, tất cả là vì con người, vì dân tộc, vì nhân dân, vì Đảng, không có một chút gì của riêng Người. Đó chính là tấm gương mẫu mực để giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về tinh thần suốt đời vì nước, vì dân, đặt lợi ích chung lên trên hết và trước hết.
Quán triệt tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, những năm qua Trung ương Đảng đã ban hành một số quy định để phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như Quy định số 47-QĐ/TW,Về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị,Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt, ngày 25-10-2018, Trung ương Đảng ban hành Quy định số 08-QĐi/TW,Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định nêu rõ 8 nội dung cần phải gương mẫu thực hiện và 8 nội dung cần phải kiên quyết chống.Đây chính là sự quán triệt và vận dụng phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thời gian tới, góp phần đưa Quy định 08-QĐ/TW vào thực tiễn cuộc sống,góp phần giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, thiết nghĩ cần chú trọng thực hiện một điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về phong cách nêu gương Hồ Chí Minh, gắn liền với việc đẩy mạnh thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Quy định 08-QĐi/TW và các nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng.
Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị và các đoàn thể nhân dân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với các cán bộ lãnh đạo, nhất là khi có những dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Thứ ba, các cán bộ, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải cụ thể hóa việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể hằng năm gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình , để cấp trên và cán bộ cấp dưới, quần chúng nhân dân có cơ sở đối chiếu, đánh giá.
Thứ tư, đề cao vai trò tự giáo dục của mỗi cán bộ lãnh đạo, thực hiện tốt nói đi đôi với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong công tác hằng ngày.
Thứ năm, chú trọng cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ tấm gương trong sáng, mẫu mực của toàn Đảng, toàn dân là cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời nhận diện và phòng chống hiệu quả những nguy cơ suy thoái của Đảng, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Ban Tuyên giáo tổng hợp