1- Khảo về danh xưng
Thanh Chương xưa là đất động trại. Năm Thiên ứng Chính Bình thứ 2 (1233) vạch lại bản đồ, huyện có tên Thanh Giang. Thời Lê Trung Hưng, hiềm tên huý Trịnh Giang (1729 - 1740), danh xưng của huyện, đổi từ Giang thành Chương.
Ấy là theo Danh khảo của Thanh Chương huyện chí, mang kí hiệu VHv2557, số thư tịch của Thư viện Khoa học Trung ương, được biên soạn vào đầu triều Nguyễn, dưới sự chỉ đạo của Bùi Hoàng Giáp, khi ngài giữ chức Đốc học Nghệ An (1806 - 1812).
Cũng theo Thanh Chương huyện chí, một cuốn sách khác của Tri huyện Nguyễn Điển, soạn vào đời Thiệu Trị, mang kí hiệu A97 bis và bản dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ của Huấn đạo huyện Thanh Chương Lê Huy Tập, người Thanh Hoá, cử nhân khoa Giáp Thân, Kiến Phúc (1884), mang kí hiệu số Vv307, Thư viện Khoa học Trung ương, thì Trong sắc chỉ người ta, thời Lê Hồng Đức (1470 - 1497) đã có địa danh: Thanh Chương huyện.
Theo cựu phả của họ Nguyễn Tiến Tài (1622 - 1697), Nhân Thành, viết vào cuối thế kỷ XIX có ghi... Làng Tiên Cầu, nơi cụ thuỷ tổ Lý Lữ (cụ tổ 7 đời của Nguyễn Tiến Tài), từ Kinh Bắc tìm về đây sáng nghiệp, thuộc động Thổ Du, sách Thanh Nhai. Đời Lê Thánh Tông, Hồng Đức: “Cải Thanh Nhai sách vi Thanh Chương huyện, Thổ Du động vi Thổ Du tổng.
Về tên cũ của huyện là Thanh Giang hay Thanh Nhai, nay chúng tôi chưa khảo được, chỉ biết là Giang và Nhai đều thuộc bộ thuỷ (氵), có nghĩa là gần nhau: “Giang (江) con sông; “Nhai (涯) bờ sông. Theo đó, hai địa danh này có thể hiểu là một, (Khi có cứ liệu, điều còn nghi ngờ này sẽ được bổ chính).
Về danh xưng Thanh Chương có tự bao giờ và trước đó thời thuộc Minh huyện có tên là gì?
Trả lời câu hỏi này, khi chưa thấy một chứng chỉ, cần đặt Thanh Chương trong tỉnh Nghệ An và dẫn giải theo sử liệu:
1 - Theo Hoàng Việt địa dư chí, Nghệ An, xưa thuộc nước Việt Thường. Đời nhà Tần thuộc Tượng quận; đời nhà Hán gọi là quận Nhật Nam; đời Ngô đặt là quận Cửu Đức; đời Lương đổi làm châu: Buổi đầu xưng là Hoan Châu, sau xưng là Diễn Châu. Triều nhà Đinh theo thế; đời nhà Lý đổi làm trại. Năm Thái Tông Thiên Thành thứ 3 (1030) đổi Hoan Châu là Nghệ An, biệt Diễn Châu làm châu. Đầu đời nhà Trần nhân đó xưng Nghệ An làm phủ, tới đời Duệ Tông (1373 - 1377) đổi Nghệ An làm lộ. Thời Tây Đô (1400 - 1407), đổi Nghệ An là trấn Lâm An, Diễn Châu là trấn Vọng Giang. Thời nhà Hồ đổi Diễn Châu làm phủ Linh Nguyên. Thời thuộc Minh (1414 - 1427) lại đổi Diễn Châu, Nghệ An là lộ, phủ. Thời Lê sơ theo thế. Đến thời Quang Thuận định Thừa tuyên Nghệ An gồm 9 phủ, 25 huyện, 3 châu Nam giáp Thuận Hoá, Bắc liền Thanh Hoá, Tây giáp Ai Lao, Đông liền Đại Hải (Theo Hoàng Việt địa dư chí, Q2, trang 32, 33, bản chữ Hán in khắc ván).
2 - Thời thuộc Minh tên huyện là gì?
+ Theo Đại Việt sử ký toàn thư năm ất Tỵ (1425) tức Bình Định vương Lê Lợi năm thứ 8: Mùa xuân, tháng giêng, vua đem quân đến hương Đa Lôi huyện Thổ Du trấn Nghệ An. Và chú thích ở trang 333: “huyện Thổ Du nay là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An”.
Như trên, ta càng rõ niềm tự hào chứa trong câu thơ, đề cập tới, trong sự nghiệp bình Ngô của Lê Thái Tổ, nơi đã từng: “Sáu năm cung kiếm, Hoàng vương dựng nghiệp khắc di thành; Bảy huyện đan hồ, Vương đế quan hà y cựu tịch... (Tiểu dẫn TCHC - VHv2557). Bảy huyện đó là:
1 - Nghi Nha nay là Nghi Xuân
2 - Phi Lộc nay là Can Lộc và 1 phần của huyện Thạch Hà
3 - Cổ Đỗ nay là huyện Hương Sơn
4 - Thổ Hoàng nay là huyện Hương Khê
5 - Chi La nay là huyện Đức Thọ
6 - Chân Phúc nay là huyện Nghi Lộc
7 - Thổ Du nay là huyện Thanh Chương (một dải dọc theo hữu ngạn Lam Giang, thượng du giáp Trà Lân, hạ du giáp La Sơn).
Thuộc phủ Nghệ An thời ấy, còn có: 4 châu :
1. Châu Hoan gồm 4 huyện (đều phía tả ngạn Lam Giang):
1.1. Thạch Đường: Bắc Nam Đàn
1.2. Sa Nam: Bắc Nam Đàn
1.3. Đông Ngạn: Anh Sơn
1.4. Lộ Bình: Hưng Nguyên
2. Châu Trà Long: Tương Dương - Con Cuông
3. Châu Ngọc Ma: Ngàn Phố - Ngàn Sâu
4. Châu Nam Tĩnh gồm 4 huyện:
4.1. Hà Hoàng: Thạch Hà
4.2. Bàn Thạch: Thạch Hà
4.3. Hà Hoa: Kỳ Ông
4.4. Kỳ La: Cẩm Xuyên
Tư liệu trên đây, trích từ tr. 236 sách Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), NXB Khoa học xã hội, 1977 do Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn biên soạn. Từ đó ta biết: thời thuộc Minh, địa hạt Thanh Chương bên hữu ngạn có tên là Thổ Du; bên tả ngạn có tên là Thạch Đường. Danh xưng này mãi tới thời Quang Thuận mới đổi.
3- Từ thời Quang Thuận
Theo Bản ký thư lục :
Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), vào thượng tuần tháng Tư, định bản đồ các phủ, châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 12 thừa tuyên trong nước. Theo đó:
Thanh Hoá 4 phủ, 16 huyện, 4 châu;
Nghệ Anc 9 phủ, 27 huyện, 2 châu;
Thuận Hoá 2 phủ, 7 huyện 4 châu
+ Từ đầu thế kỉ XIX, theo Nghệ An ký, tỉnh gồm 9 phủ, 25 huyện, 2 châu. Trong đó có:
* 4 phủ giáo thanh (chịu sự giáo hoá của nhà vua, có trình độ văn minh hơn):
1. Đức Quang gồm 6 huyện: La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc
2. Anh Đô gồm 2 huyện: Nam Đường, Hưng Nguyên
3. Diễn Châu gồm 2 huyện: Đông Thành, Quỳnh Lưu
4. Hà Hoa gồm 2 huyện: Thạch Hà, Kỳ Hoa
* 5 phủ ki mi (ràng buộc lỏng lẻo chế độ tù trưởng sẵn có của từng địa phương để thống trị gián tiếp):
1. Quỳ Châu gồm 2 huyện: Trung Sơn, Thuý Vân
2. Trà Lân gồm 4 huyện: Kỳ Sơn, Hải Ninh, Tương Dương, Vĩnh Khang
3. Trấn Ninh gồm 7 huyện: Quang Vĩnh, Minh Quảng, Kim Sơn, Thanh Vị, Châu Lãng, Thung Thuận, Cảnh Thuần.
4. Ngọc Ma có 1 châu: Trịnh Cao
5. Lâm An có1 châu: Quy Hợp.
Theo Hoàng Việt địa dư chí, Nghệ An gồm: 9 phủ, 25 huyện, 3 châu. Danh sách như trên và có thêm châu Bố Chính, phía nam Hoành Sơn, gồm 3 tổng: Thuận Lễ, Thuận An, Thuận Vĩnh.
Với các cứ liệu như trên, riêng Nghệ An, danh xưng của các huyện: Thanh Chương Nam Đường, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Tương Dương... là có từ thượng tuần tháng 4 năm Kỷ Sửu Quang Thuận thứ 10 (1469). ấy là thời Đinh Bộ Cương người con ưu tú của Thanh Chương, quê xã Cao Môn (nay thuộc xã Thanh Liên) đã được vua Lê Thánh Tông chính trực thịnh tuyển từ khoa Đinh Hợi (1467) “Chiếu đầu bút bảng phá thiên hoang trên đất Thanh Chương, sung vào Ngự sử đài, thăng Thượng thư Bộ Hình, giám thí khoa thi Điện, ngày 9 - 7, Kỷ Mùi, Cảnh Thống thứ 2 (1499).
Từ thời Quang Thuận đến thời Minh Mệnh, Thanh Chương gồm 6 tổng: Nam Hoa (1849 đổi thành Nam Kim); Bích Triều; Thổ Hào (Về sau 2 tổng nhập thành tổng Bích Hào); Võ Liệt; Cát Ngạn; Đặng Sơn (năm 1839 chuyển sang phủ Anh Sơn để lập thêm huyện Lương Sơn).
Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) tách Thanh Chương khỏi phủ Đức Thọ để nhập vào phủ Anh Sơn. Địa giới Thanh Chương như hiện nay là hình thành từ năm đầu Duy Tân, 1907, khi tổng Nam Kim nhập vào huyện Nam Đàn; tổng Đại Đồng và phần lớn tổng Xuân Lâm nhập vào huyện Thanh Chương.
Cương giới phía Đông Bắc giáp phủ Ông Đô; phía tây giáp phủ Trà Lân; phía Nam giáp 2 huyện Hương Sơn và La Sơn. Lấy núi lớn sông lớn làm ranh giới. Ba mặt là núi, một mặt là sông.
Nguồn: Thanh Chương Xưa và Nay